Thứ năm, 16/01/2020, 17:36 GMT+7

Tháp Chàm Poshanư

Trong thời kỳ phát triển hưng thịnh của mình, vương quốc Chăm-pa đã để lại cho hậu thế nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, trong đó, tháp Chàm Poshanư được coi là công trình chứa nhiều tinh hoa kiến trúc của người Chăm cổ nhất.

Nhóm đền tháp Chăm Poshanư- phố Hài, được xây dựng từ thế kỷ 9, thuộc phong cách Hòa Lai – là một trong số nhiều phong cách nghệ thuật cổ của Chăm-pa. Qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, cụm tháp Poshanư cổ vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn và nổi bật nhất trong số các di tích còn sót lại của người Chăm ở Bình Thuận như: nhóm tháp Bà Châu Rế- Hàm Phú – Hàm Thuận Bắc, nhóm tháp Pôdam Phú Lạc – Tuy Phong. 

 

Từ Kega Lighthouse Resort, chạy qua trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 7km về hướng đông bắc, đến đồi Bà Nài, phường Phú Hải, trên đó là tháp Poshanư.
Tháp Chàm Poshanư được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1991, với những đường nét nghệ thuật kiến trúc truyền thống tinh tế và độc đáo, dấu ấn thời kỳ phát triển hưng thịnh của vương quốc Chăm-pa vẫn còn được lưu giữ rõ nét trên công trình kiến trúc tiêu biểu này.

Ban đầu, tháp Poshanư được xây dựng để thờ phụng thần Shiva, vị thần quyền năng được người Ấn Độ. Sau này, người Chăm xây dựng thêm nơi thờ công chúa Pôshanư, con gái vua Po Parachanh vào khoảng thế kỷ 14.

Quy mô của tháp Poshanư tuy không đồ sộ, bề thế như các cụm tháp Chăm khác nhưng lại chứa đựng được tinh hoa văn hóa của người Chăm cổ. Đó là kỹ nghệ kiến trúc và trang trí đặc biệt để tạo ra những công trình cổ kính, uy nghiêm, kỳ bí của người Chăm-pa.

Cụm di tích tháp này mang đậm phong cách kiến trúc Hòa Lai, như được xây bằng gạch đỏ và gắn kết bởi một chất kết dính đặc biệt, các cửa tháp có hình vòm cuốn, mặt bằng tháp hình vuông, hình dáng tháp thu nhỏ dần khi lên cao, bề mặt được chạm khắc nhiều hoa văn tinh tế, cột trụ tròn...

Tháp chính A cao 15m, gồm 3 tầng, cửa chính hướng về phía Đông vì người Chăm cổ tin rằng đây là nơi trú ngụ của thần linh. Trong tháp chính thờ bộ phận sinh thực khí Linga – Yoni bằng chất liệu đá xanh đen nguyên khối.

Tháp C thờ Thần Lửa nằm bên cạnh tháp chính, có một cửa hướng về phía Đông. Đây là khối tháp nhỏ nhất trong 3 tháp, chỉ cao hơn 4m. Xa hơn là tháp B thờ Thần Bò Nandi. Theo truyền thuyết, thần Bò là vật cưỡi của thần Shiva. Cơ bản tháp B có hình dáng giống tháp chính nhưng đơn giản hơn, tháp cao khoảng 12m.

Tương truyền, tháp Chăm được xây dựng để tưởng nhớ mối tình của công chúa Pôshanư, người đã có công hướng dẫn nhân dân trồng trọt, khai rẫy, trồng bông dệt vải, dạy người dân những quy tắc ứng xử, giao tiếp tiến bộ… người Chăm đã tạc tượng Bà và thờ trong tháp. Trong lễ hội lớn nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn hàng năm, người hành hương khắp nơi kéo tới đây để cầu xin Bà ban cho một mùa ấm no, hạnh phúc.

Nguồn ảnh: Internet